Định nghĩa Phiên thiết Hán-Việt

Phương pháp phiên thiết được định nghĩa như sau trong những bộ từ điển, những tác phẩm ngữ học xưa và nay như sau:

  • Sách Lễ bộ vận lược (禮部韻略) của Đinh Độ (丁度) đời nhà Tống (宋) giải thích hai chữ "phiên thiết" như sau:
音韻展轉相協謂之反,亦作翻;兩字相摩以成聲謂之切,其實一也Âm và vận tuần tự hợp nhau gọi là Phiên 反 cũng viết là 翻. Hai chữ mài cọ nhau để thành âm đọc gọi là thiết 切. Thực ra chỉ là một mà thôi.
  • Quyển Hình âm nghĩa tổng hợp đại tự điển (形音義綜合大字典) giải thích hai chữ "phiên thiết" như sau:
以兩字急讀而合成一字之音曰切,亦曰反切,又曰切韻Lấy hai âm mài cọ với nhau thành một âm nên gọi là phiên thiết, cũng gọi là thiết vận.
  • Sách Văn tự học toản yếu (文字學纂要) dẫn chú thích của Trịnh Huyền (鄭玄) đời nhà Hán về chữ "phiên" (反): 反,覆也 — Phiên là Lật lại; và dẫn chú thích của Cao Dụ (高裕) đời Hán về chữ "thiết" (切): 切,摩也 – Thiết là mài cọ. Sách này ghép hai chú thích của Trịnh Huyền và Cao Dụ để đi đến định nghĩa sau:
以二音反覆摩以成一音故名反切Lấy hai âm mài cọ với nhau thành một âm, ấy gọi là phiên thiết.
  • Từ Nguyên (辭源) định nghĩa "phiên thiết" như sau:
以二字之音相切而成一音也:上一字為雙聲,亦謂之母音,下一字為疊韻,亦謂之字音Lấy hai âm của hai chữ mài cọ với nhau tạo thành một âm: chữ trên là song thanh chữ dưới là điệp vận.
  • Từ Hải (辭海) định nghĩa "phiên thiết" như sau:
以二字之音切成一字之音之方法也Phương pháp lấy âm của hai chữ mài cọ thành âm của một chữ.
  • Từ Vị (辭彙) của Lục Sư Thành (陸師成) định nghĩa "phiên thiết" như sau:
用兩個字標注字音:以上字之聲和下字之韻切成一音Dùng hai chữ nếu chú âm một chữ. Lấy thanh (phụ âm đầu) và vận (vần) của chữ dưới mài cọ thành một âm.
  • Hán Việt từ điển (漢越詞典) của Đào Duy Anh định nghĩa "phiên thiết" như sau:
Đem hai tiếng nói lái lại với nhau thành một tiếng khác. Ví dụ: Ha với Cam thành Ham.
  • Sách Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt của Nguyễn Tài Cẩn (Nhà xuất bản Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1979), trang 109 viết:
Phiên thiết – nếu nói một cách nôm na – thì có thể định nghĩa là cách dùng hai chữ nói lái lại, để tìm ra cách đọc của chữ thứ ba. Ta hãy trở lại ví dụ: đông = đô tông thiết. Rõ ràng là dùng hai chữ Đô và chữ Tông nói lái lại, thì sẽ tìm ra được cách đọc của Đông. Bởi vì Đông bao gồm phụ âm Đ của chữ Đô cộng với vần Ông của chữ Tông: Đông = Đ(ô) + (T)ông.
  • Sách Nghiên cứu về chữ Nôm của Lê Văn Quán (Nhà xuất bản Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1981), phần cuối chú trang 25 viết:
Phiên thiết là dùng hai chữ Hán ghép lại để ghi âm đọc của một chữ. Ví dụ: 同 = 德紅切 – Đức hồng thiết = Đồng. Chữ trên đại biểu cho thanh mẫu, chữ dưới đại biểu cho vần (vận mẫu) và thanh điệu.

Nói tóm lược: Phiên thiết là dùng âm của hai chữ đã biết cách đọc để chú âm cho một chữ thứ ba, nghĩa là lấy phụ âm đầu của chữ thứ nhất với vần của chữ thứ hai đọc nối liền lại theo một quy tắc nhất định để đọc chữ thứ ba.

Ví dụ: 搖 = 余招切: Du + Chiêu thiết = Diêu.Thuyết minh: Du có phụ âm đầu là D + iêu là vần của chữ thứ hai = diêu. Quy tắc này gọi là Song thanh, Điệp vận.